The Best Fluffy Pancakes recipe you will fall in love with. Full of tips and tricks to help you make the best pancakes.
Người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen của mình và hướng đến tiếp cận những sản phẩm xanh, hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường. Sự gia tăng của xu hướng này đang tiếp sức thúc đẩy sản xuất xanh, bán lẻ xanh mạnh mẽ.
Tiêu dùng xanh, ý thức xanh
Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Nielsen Việt Nam, cho hay “người tiêu dùng sẽ lựa chọn sản phẩm hàng hóa, thương hiệu dựa trên nhiều yếu tố. Trong top 5 lý do, họ cũng rất quan tâm đến thành phần từ thiên nhiên. Điều này đang thể hiện thay đổi rất lớn trong xu hướng tiêu dùng và thái độ của họ khi tiếp cận sản phẩm, hàng hóa xanh”.
Thực tế cho thấy, những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thường có giá thành cao hơn một sản phẩm thông thường. Ví dụ với túi rác làm từ nhựa sinh học, thân thiện với môi trường sẽ có giá thành cao gấp 1,3 lần so với túi thông thường.
Tuy nhiên, một thống kê chỉ ra rằng, có đến 85% người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng theo hướng bền vững hơn trong 5 năm qua. Cũng theo nghiên cứu, có 34% được khảo sát sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch. Khi ý thức của người tiêu dùng thay đổi, những sản phẩm xanh sẽ ngày càng có mặt nhiều hơn trên các kệ hàng.
Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống. Song để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn. Điều quan trọng là mỗi một cá nhân đều phải nâng cao hơn nữa nhận thức về môi trường, đặc biệt phải là người tiêu dùng xanh, tạo áp lực để để buộc các doanh nghiệp sản xuất, phân phối phải tuân thủ theo “xanh hóa”.
Một khi đại đa số người tiêu dùng chọn lựa không mua các sản phẩm làm nguy hại đến môi trường thì nhà sản xuất phải cố gắng để tạo ra những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.
Thúc đẩy sản xuất xanh và bán lẻ xanh
Biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh trong việc thu hút người tiêu dùng chọn lối sống xanh, hàng hóa xanh đã thôi thúc các nhà sản xuất, bán lẻ thay đổi.
Chẳng hạn trong ngành thời trang, các thương hiệu như: Dệt may Việt Nam, Nike, Adidas, Zara, Levi’s… đã đồng loạt có những hành động hướng đến sản xuất bền vững, góp phần giảm bớt căng thẳng liên quan đến môi trường và khí hậu.
Trong đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước. Đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế; Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025; Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo, hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường; H&M hiện có 35% sản phẩm được sản xuất bằng nguyên liệu tái chế và mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu này… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Thế giới hướng đến sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình.
Trước nhu cầu ngày càng cao về tiêu dùng xanh, các nhà sản xuất, bán lẻ lớn trong nước đã có những động thái tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.
Việt Nam cũng đã hình thành được các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre, ống hút giấy hoặc inox thay cho ống hút nhựa; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nilon… Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng có những động thái giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nilon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.
Để tồn tại trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Có thể thấy, từ xu hướng tiêu dùng xanh cùng với sự vào cuộc chủ động của nhà sản xuất, bán lẻ, chúng ta đang từng bước tạo nên những thay đổi căn bản cả về nhận thức và hành động. Đó là bước đệm, tạo động lực cho các nhà sản xuất, bán lẻ trong nỗ lực ‘xanh hóa’ vì sự phát triển bền vững.