Các nhà bán lẻ ở Việt Nam đang thận trọng mở mới các chuỗi và chọn lọc hướng lôi kéo khách hàng trước dự báo xu hướng thắt chặt chi tiêu tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Bên cạnh đó, tiềm năng của mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc “bùng nổ”, và một số trung tâm thương mại vẫn không ngừng mở mới, cải tạo lại hoặc tái gia nhập thị trường khi nhìn về “cửa sáng” trong dài hạn.
Trong định hướng kinh doanh năm 2023 vừa được CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đưa ra cho thấy mục tiêu là tăng trưởng dương về doanh thu, lợi nhuận ròng và tăng trưởng hai chữ số so với mức trung bình giai đoạn 3 năm gần nhất (2020 - 2022).
CHỌN LỌC MỚI MỞ CỬA HÀNG
Nhà bán lẻ này sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường trong những tháng đầu năm nay để trình đại hội cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh cụ thể phù hợp với tình hình mới.
Một điểm đáng chú ý trong năm 2023 là các chuỗi bán lẻ của MWG chỉ mở mới cửa hàng có chọn lọc (ở các khu vực có tiềm năng tốt, các cửa hàng được quyết định kỹ càng để có thể mang lại lợi nhuận cho công ty trong vòng 3 tháng sau khai trương). MWG cũng không đặt mục tiêu cụ thể về số lượng cửa hàng mở mới cho từng chuỗi.
Bên cạnh đó, tất cả các chuỗi của MWG sẽ tập trung vào tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng và kiểm soát chi phí vận hành để tăng lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu.
Theo giới phân tích, chiến lược mới của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX - thuộc MWG) trong thời gian tới là sẽ hướng đến lôi kéo nhóm khách hàng là những người đi siêu thị và những người đi chợ. Động lực tăng trưởng của BHX trong năm nay sẽ đến từ nhóm khách hàng tiềm năng mà họ đang hướng tới. Nếu tình hình chung không xấu một cách bất thường thì quý 4/2023, BHX sẽ có lãi.
Còn với chuỗi bán lẻ WinCommerce (WCM) thuộc CTCP Tập đoàn Masan, nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VCBS là vẫn giữ quan điểm lạc quan với triển vọng tăng trưởng doanh thu của WCM trong 2023- 2024 nhờ kế hoạch mở rộng mạnh mẽ được giữ vững và tiềm năng của mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc bùng nổ nhất tại Việt Nam.
Trong kịch bản thận trọng, chuyên gia phân tích của VCBS dự phóng WCM sẽ mở từ 600-800 cửa hàng mới mỗi năm, trong khi doanh thu trên mỗi cửa hàng sẽ đi ngang trong năm 2023 do sức mua yếu trước khi tăng trở lại (+10%) trong năm 2024.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cho rằng WCM vẫn chưa có lãi ròng trong năm 2023. Đáng chú ý, hiệu quả hoạt động của các cửa hàng mới cao hơn, đồng thời cũng là điểm sáng khi hầu hết các chuỗi bán lẻ cùng mô hình trên thị trường vẫn lỗ EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao). WCM cũng gia tăng nhiều chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
CHỜ “CỬA SÁNG” TRONG DÀI HẠN
Một số nhận định cho rằng tăng trưởng doanh thu của WCM trong năm 2023 chủ yếu nhờ các cửa hàng mới mở trong năm trước có thời gian để hoạt động và đóng góp doanh thu cả năm.
Chẳng hạn như mô hình tích hợp WIN mới, gồm WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long Kiosk (trà và cà phê), Phano (chăm sóc sức khỏe), Reddi (dịch vụ viễn thông), Techcombank (dịch vụ tài chính), đang có kết quả ban đầu khá khích lệ và việc nhân rộng trong năm 2023 sẽ là một câu chuyện thú vị để quan sát.
Đến nay, mô hình tích hợp này đã có hơn 30 cửa hàng WinMart+ được chuyển đổi sang mô hình WIN với kết quả ban đầu đáng khích lệ: Doanh thu mỗi m2 tăng 20% và biên EBIT (lợi nhuận trước thuế và lãi) tăng thêm 0,6% so với trước khi chuyển đổi.
Bên cạnh đường hướng của hai nhà bán lẻ hàng đầu nêu trên, theo giới chuyên gia, trước xu hướng thắt chặt chi tiêu, trên thị trường bán lẻ hiện nay đang có sự chuyển dịch ngược tạm thời từ kênh hiện đại về kênh truyền thống để tìm kiếm những lựa chọn rẻ tiền hơn của người tiêu dùng.
Điều này sẽ thúc đẩy các công ty bán lẻ trong nước đẩy mạnh rà soát doanh mục sản phẩm, giá cả, tăng cường chương trình khuyến mãi, chính sách kích cầu cho membership (thành viên) và cắt giảm hoặc tối ưu hoá chi phí hoạt động.
Ngoài ra, nên để ý thêm những tín hiệu gần đây cho thấy dù thị trường bán lẻ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023 thì các trung tâm thương mại ở Tp.HCM vẫn đang không ngừng mở rộng, cải tạo lại mặt bằng hoặc tái gia nhập thị trường.
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Cushman & Wakefield (C&M), Hùng Vương Plaza (quận 5, Tp.HCM) hiện đang được cải tạo và dự kiến sẽ tái gia nhập thị trường trong năm nay. Còn vào giữa tháng 12/2022, Diamond Plaza mở cửa trở lại sau khi cải tạo.
Hay như Thiso Mall ở Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) chính thức đi vào hoạt động trong khoảng cuối 2022 – đầu 2023, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình dân lẫn cao cấp: Uniqlo, Starbucks, Highlands Coffee, Pizza 4P’s, Levi’s, Adidas, Valetino Creation.
Tính ra, theo C&M, tổng nguồn cung bán lẻ đang hoạt động ở Tp.HCM đạt 1,052 triệu m2. Trong đó có Thiso Mall đóng góp thêm khoảng 33.000 m2 vào tổng nguồn cung. Mặt khác, có 4 dự án trung tâm thương mại được dự báo sẽ chào sân vào năm 2023 là Central Premium plaza, Vincom Megamall Grand Park, Sunrise City Central và Emart 2, đóng góp hơn 116.000 m2 diện tích bán lẻ mới.
Chuyên gia phân tích của C&M cho rằng, việc nhiều trung tâm thương mại lên kế hoạch, tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại là diễn biến tích cực của thị trường, nhất là khi các mặt bằng bán lẻ đã lỗi thời được nâng cấp.
Nhìn chung, trong một khoảng thời gian ngắn hạn của năm 2023, có vẻ như các nhà bán lẻ sẽ thận trọng và gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng xét về dài hạn thị trường bán lẻ sẽ vẫn sáng khi khai phá hoặc đáp ứng đúng mức nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét