Một vé về tuổi thơ với các cửa hàng Tạp hóa thần kỳ “cái gì cũng có”


Khoảng một thập kỷ trở lại đây, các căn tạp hóa dần nép mình gọn gàng vào vào những góc hẻm nhỏ, nhường chỗ cho vô số siêu thị và cửa hàng tiện lợi nổi bật ngoài phố lớn. 

Chẳng thể nào phủ nhận được một sự thật rằng các loại hình dịch vụ sẽ dần được hiện đại và tiện lợi hóa theo sự phát triển không ngừng của xã hội. Cuộc sống thay đổi, thói quen của người tiêu dùng thay đổi. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi việc những cửa hàng tạp hóa trước đây đã từng rất “được lòng” người tiêu dùng, nay bỗng trở thành một trong những lựa chọn phụ của khách hàng mỗi khi họ quyết định mua sắm.

Tuy nhiên, dẫu tạp hóa có “lỗi thời” nhưng vẫn không bao giờ bị lãng quên bởi cái gì “cũ” thì sẽ “kỹ”, kỹ như cách người ta giữ thói quen mua chai nước tương ở tiệm bà Năm đầu hẻm, kỹ như cách người ta lưu hình ảnh những căn tạp hóa bé nhỏ vào trong một góc ký ức riêng.

Cũng giống với những vùng xa, khi mà trước kia người ta vẫn thường kêu nhau cái từ "tạp hóa" thay vì siêu thị  mỗi khi muốn mua những món đồ nhu yếu phẩm gì đấy. Nhưng giờ "tạp hóa"... sao nghe cứ xa lạ ấy nhỉ!?

Tạp hóa là nơi có tất cả

Vào những thập kỷ trước, khi khái niệm về siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn còn là xa lạ, thì các khu chợ và tiệm tạp hóa là nơi trao đi những món đồ tiêu dùng đáng tin cậy về chất lượng. Nếu có thể đặt một tính từ duy nhất để nói về các cửa hàng tạp hóa, thì đó chắc hẳn sẽ là từ “hào phóng”.

Tạp hóa là nơi "cần gì cũng có" đối với cuộc sống cơ bản của mọi gia đình.

Đúng vậy, tạp hóa luôn “hào phóng” trong việc chiều lòng người tiêu dùng. Căn tạp hóa nào cũng nhỏ, nhưng đồ đạc bên trong thì lúc nào cũng nhiều. Người ta thường bảo ra tạp hóa mua đồ là chẳng thiếu thứ gì bởi nơi đây luôn đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng, từ gia vị bếp núc đến mỹ phẩm phụ nữ, từ đồ ăn đóng hộp đến giấy bóng gói quà, … 

Do là thế, nên trong nhà cần gì, người ta cũng ra tạp hóa mua cho nhanh, cho tiện. Ba thì hay mua bao thuốc, mẹ thường mua gói bột nêm, chị hai mua cây bút mực còn cậu em sẵn lấy gói bim bim…

Cứ như vậy, tạp hóa thong thả mà vững chắc bước vào thói quen sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.

Tạp hóa tuy rất bé, đó vỏn vẹn chỉ là "một đống" những món đồ được bày biện không hệ thống nhưng lại rất trật tự theo cách nhìn vào là thấy trong một căn nhà nhỏ và cũ kỹ.

Đó cũng là nơi mà cả thời học sinh tôi "bám đít" ở nơi đây vì từ cái bút máy, bút chì, cục tẩy, hay cả quyển vở tôi cần thì cô Mai ở hàng tạp hóa đều có.

Đã vậy, tạp hóa còn “hào phóng” trong việc buôn bán. Đồ mua ở tạp hóa thì luôn rẻ mà lại tốt. Đó là bởi vì các chủ cửa hàng luôn có tâm lý là bán cho bà con hàng xóm nên lúc nào cũng bán sao cho vui lòng người mua, lời ít cũng được.

Cô Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận 3, tâm sự: “Cô bán mỗi thứ đồ chỉ lời một, hai ngàn thôi. Chai dầu gội giá vốn là ba mươi chín ngàn, cô bán bốn mươi. Thùng sữa bò ba trăm ngàn, cô bán ba trăm lẻ năm, lời có năm ngàn thôi đó con”. Người mở tạp hóa, đa số là bán hàng để tạo công ăn việc làm cho bản thân, để có “đồng ra đồng vô”, chứ không vì mục đích kiếm lời nhiều.

Những cửa hàng tạp hóa chủ yếu phục vụ cho bà con chòm xóm xung quanh. Chính vì vậy, đồ ở tạp hóa luôn được bán với giá rẻ hơn những nơi khác.

Và hơn hết, tạp hóa xưa và nay luôn “hào phóng” trong cái tình, cái nghĩa. Chắc vì hiểu tâm lý con nít, nên hàng tạp hóa nào cũng treo đầy bim bim, kẹo ngọt trước mặt tiền của tiệm để “dụ khị” lũ trẻ. Chẳng đứa trẻ nào lớn lên mà chưa từng mua gói bánh, hộp kẹo ở hàng tạp hóa cả.

Không chỉ ở Sài Gòn, tiệm tạp hóa ở đâu cũng có. Và những tiệm tạp hóa tưởng như "cũ kỹ" ấy lại là nơi chứa đựng cả một trời ký ức. Dù xã hội có phát triển đến thế nào đi chăng nữa thì những tiệm tạp hóa vẫn mãi là một phần quan trọng trong ký ức người dân.


Bạn có thể thích những bài đăng này:

Không có nhận xét nào: