Dạo quanh thị trường bán lẻ ngày 22.08.2022


Lãi lớn nhờ mở rộng hệ thống

Trong 7 tháng đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã liên tục mạnh tay đầu tư mở rộng thị phần, phát triển hệ thống bán lẻ tại các trung tâm, tỉnh thành và thu lãi khủng.

Thông tin từ Tập đoàn Thaco (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Emart) cho thấy, với mục tiêu đạt doanh số 1 tỉ USD từ nay đến năm 2026, Thaco sẽ mở rộng quy mô hệ thống siêu thị Emart lên đến 20 cửa hàng. 

Nhằm thực hiện thực hóa mục tiêu mở rộng các điểm bán lẻ, trong năm 2022 phía WinCommerce của Tập đoàn Masan (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+) đã có kế hoạch sẽ mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và hơn 20 siêu thị, đại siêu thị WinMart.

Nhiều nhà bán lẻ khác như Saigon Co.op, BRGMart… cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư, có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025, mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Gây xôn xao nhất trên thị trường bán lẻ đó là thông tin Tập đoàn bán lẻ Central Retail (Thái Lan) đã vừa công bố đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỉ đồng, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã liên tục mạnh tay đầu tư mở rộng thị phần và thu lãi khủng. Ảnh: CT 

Đại gia bán lẻ nhảy vào mở chuỗi bán hàng cao cấp

Thế Giới Di Động vừa mở cửa hàng thứ hai chuyên bán sản phẩm cao cấp tại TP.HCM. Cửa hàng có tên Thế Giới Di Động Luxury Store được thiết kế tiện nghi hơn so với các cửa hàng thông thường của họ và bày bán những sản phẩm ở phân khúc cao cấp. 

Cửa hàng có diện tích lớn, sàn gỗ, nội thất được chọn phù hợp với không gian cửa hàng sang trọng. Các thương hiệu laptop, điện thoại, phụ kiện được dành không gian riêng để trưng bày sản phẩm.

Bên trong cửa hàng Thế Giới Di Động Luxury Store. (Ảnh: TGDĐ)

Central Group sẽ đầu tư thêm 848 triệu USD mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Central Retail có 340 trung tâm mua sắm và cửa hàng cũng như 10 thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam trong đó có bao gồm Go! Mall, Nguyen Kim, SuperSports và TopsMarket, như vậy Central Retail hiện đang kinh doanh trong rất nhiều ngành hàng, từ các sản phẩm thể thao cho đến đồ may mặc tiêu dùng, thực phẩm.

Theo Nikkei đưa tin, Central Retail – bộ phận bán lẻ của tập đoàn đã dành ra 30 tỷ bath tức khoảng 848 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam.

Central Retail đặt mục tiêu tăng cường doanh số bán hàng tại Việt Nam lên 100 tỷ bath/năm sau 5 năm tới từ mức 38,6 tỷ bath hiện nay, theo chiến lược kinh doanh của tập đoàn công bố trong báo cáo thường niên.

Kế hoạch kinh doanh và đầu tư của Central Retail như vậy đúng với dự báo của nhiều chuyên gia. Giới chuyên gia tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng vững vàng sau đại dịch COVID-19, họ dự báo lĩnh vực bán lẻ Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 9%/năm lên quy mô khoảng 150 triệu USD.

Các hãng bán lẻ Mỹ đối mặt với lượng lớn hàng tồn kho

Sau hơn 1 năm chi cho mua sắm hàng hóa nhiều hơn bình thường trong mùa dịch, hiện người dân Mỹ đang thay đổi xu hướng chi tiêu của mình theo hướng cân bằng và phù hợp với tình hình hơn.

Theo tờ Tạp chí phố Wall, lượng hàng tồn kho của Walmart đã tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên do nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ này đánh giá sai sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng, khiến hãng này phải giảm giá và thu về lợi nhuận thấp hơn.

Tương tự, Gap - công ty sở hữu chuỗi cửa hàng Gap, Old Navy và Banana Republic, đã kết thúc tháng 4 với lượng hàng tồn kho tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho của American Eagle tăng 46%. Còn Urban Outfitters tăng 32%.

Tình trạng này đang đặt ra cho các hãng bán lẻ quyết định khó khăn. Một số hãng tiến hành giảm mạnh giá các sản phẩm tồn kho để thu tiền về và giảm chi phí kho bãi, chấp nhận giảm lợi nhuận. Trong khi các hãng khác chấp nhận trả phí kho bãi, giữ lại hàng tồn kho với hy vọng có thể đưa ra bán năm sau. Nhưng dù theo phương án nào thì thiệt hại vẫn đang hiện hữu.

Xử phạt thế nào nếu cá nhân kinh doanh, bán rượu tự nấu không phép?

Tình trạng tự nấu rượu rồi buôn bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, quán ăn… càng ngày càng phổ biến. Điều đáng nói là trên những sản phẩm không dán nhãn mác, không rõ nguồn gốc do hầu hết rượu được mua từ các lò nấu thủ công.


Rượu nấu thủ công để bán lẻ cho các quán ăn ngày càng phổ biến. Ảnh: HQ

Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Theo Nghị định 105/2017 và Nghị định 17/2020 thì kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Đối với thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện;

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

“Cá nhân không được quyền sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu. Người vi phạm có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định” quy định tại Điều 6 Nghị định 98/2020, đồng thời người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm”- Luật sư Lê Văn Hoan chia sẻ.


Nguồn: Tổng hợp

Bạn có thể thích những bài đăng này:

Không có nhận xét nào: