Bán lẻ xoay chuyển theo xu hướng tiêu dùng mới


Trước tác động của Covid-19, doanh thu của các "ông lớn" ngành bán lẻ như Lotte, Aeon Việt Nam, Saigon Co.op… đã bị giảm mạnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã nhanh nhạy xoay chuyển theo xu hướng tiêu dùng mới trong mùa dịch.

Kênh bán hàng online đã được nhiều nhà bán lẻ phát huy hiệu quả.


Doanh thu lao dốc
Một số doanh nghiệp phân phối xác nhận, Covid-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống. Hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến còn tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Lotte cho biết, doanh thu tháng 2/2020 của doanh nghiệp này giảm khoảng 50% so với tháng trước đó và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, Saigon Co.op có mức doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II/2020. Một doanh nghiệp khác là Satra cũng bị sụt giảm doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm lên tới 50% so với cùng kỳ.
Còn Aeon Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm doanh thu 2% trong tháng 1/2020 và giảm 6% trong tháng 2/2020 so với kế hoạch đề ra.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm đạt khoảng 1.246.000 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%). Trong đó, nhóm du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh nhất, với mức giảm tương ứng 27,8% và 9,6%.
Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng thấp so với các năm trước (chỉ tăng 2,0 - 9,6%) khiến mức tăng chung thấp. Đáng lưu ý là, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tháng 3/2020 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 2016 (2 tháng đầu năm tăng 8,3%).
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phân tích, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm mạnh là do Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng đã hạn chế mua sắm nơi công cộng, tránh đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Xoay chuyển theo xu hướng tiêu dùng mới
Một khảo sát mới nhất về người tiêu dùng châu Á trước ảnh hưởng của Covid-19 do Công ty nghiên cứu và đo lường thị trường toàn cầu Nielsen thực hiện và công bố hôm 14/4 cho biết, hơn 50% người dân Việt Nam được khảo sát (từ ngày 9 đến 15/3) đã giảm tần suất đến các cửa hàng, 52% cho biết họ đã gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà.
Với việc gia tăng dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà, cách ly phòng chống dịch, nên người tiêu dùng đang gia tăng tiêu thụ các sản phẩm như mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh.
Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Đông Nam Á cho biết, xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện rõ hơn trong mùa dịch. Thay vì trải nghiệm mua sắm, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua bán online, mua hàng chế biến sẵn. Tại một số thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh đã tăng 20 - 25%/tuần kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn về cách tiêu dùng của người dân, buộc các nhà bán lẻ phải có động thái phù hợp, trong đó, kênh bán hàng online đã được nhiều nhà bán lẻ phát huy hiệu quả trong thời gian này.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã gia tăng mạnh khâu bán hàng online.
Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn về cách tiêu dùng của người dân, buộc các nhà bán lẻ phải có động thái phù hợp, trong đó, kênh bán hàng online đã được nhiều nhà bán lẻ phát huy hiệu quả.
Cụ thể, để phục vụ khách hàng tiện lợi và nhanh chóng trong mùa dịch, hệ thống siêu thị Vinmart có "đội quân đi chợ hộ" với các cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: qua điện thoại, qua app và qua website.
Khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại tại các siêu thị gần nhất, hoặc truy cập link đi chợ Vinmart trực tuyến ; hoặc cũng có thể đặt hàng qua app VinID. Vinmart cung cấp danh mục hơn 100 sản phẩm thiết yếu nhất và cập nhật các mặt hàng khuyến mại giảm giá. Tính năng “Đi chợ online” - giải pháp mua sắm nhanh chóng, an toàn và đảm bảo cho người dân trong thời điểm mùa dịch Covid-19, còn dành cho khách hàng voucher 30.000 đồng và miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trên 500.000 đồng khi mua sắm trên ứng dụng VinID.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Big C cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại. Theo đó, với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, khách sẽ được giao hàng miễn phí trong bán kính 10 km.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Central Retail cho biết, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, BigC đã mở dịch vụ mua sắm qua điện thoại trên toàn quốc từ cuối tháng 2/2020.
“Khách hàng chỉ cần gọi điện đặt hàng qua số hotline là sẽ được giao hàng tận nhà, ngoại trừ các mặt hàng tươi sống, sản phẩm đông lạnh và sản phẩm từ sữa”, bà Phương thông tin.
Rõ ràng, việc nhanh nhạy với thay đổi của thị trường thông qua việc đẩy mạnh kênh bán hàng online đã giúp các nhà bán lẻ bù đắp được sự sụt giảm của lượng khách hàng mua sắm trực tiếp.
Thế Hoàng (baodautu)

Bạn có thể thích những bài đăng này:

Không có nhận xét nào: